Người dân Cao Nguyên đã thành thói quen mỗi sáng với tách cà phê đậm đặc, vừa nóng vừa thơm, vị đắng ở đầu lưỡi tan dần thành vị ngọt đắng, đó là cảm giác của người phố núi. Hoa cà phê thơm ngào ngạt sẽ níu chân du khách khi đi ngang qua những trang trại cà phê bạt ngàn ở Gia Lai.



Thành phố trẻ Pleiku có một vị trí địa lý khá đắc địa ở cao nguyên. Người ta hay gọi là “Phố núi”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố cao nguyên”... Từ lâu Phố núi nơi này đã neo vào lòng du khách bởi vẻ đẹp đặc trưng và bản sắc văn hóa của nó. Nhớ về Pleiku người ta còn nhớ về cà phê. Khi đến Pleiku bạn sẽ ngạc nhiên, thú vị vì ở bất cứ con phố nào cũng có quán cà phê.



Người Pleiku không đơn thuần coi cà phê là một thức uống mà cao hơn thế nó là một nhu cầu thưởng thức mỗi ngày. Và việc mời nhau đi uống cà phê là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Phố núi. Bạn tôi ở thủ đô Hà Nội, lúc nào gọi điện cũng tấm tắc: Cà phê nhà các cậu ngon thật. Người ấy làm kinh doanh đi khắp Bắc-Trung-Nam, “tín đồ” cà phê và chỉ cà phê, ngày mấy cữ cũng được. Vào Pleiku lần nào bạn cũng cùng tôi đi khắp các quán trong phố thưởng thức và so sánh, để khi về va ly hành lý bao giờ cũng thêm mấy cân cà phê các loại từ Thu Hà, Phiên Phương, Dinh Điền, Thanh Thủy…
Bao người đến Pleiku uống cà phê một lần là thích rồi ghiền. Dù lê la cà phê cóc dọc phố Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… hay đến các quán cà phê sang trọng, khung cảnh nên thơ, bí ẩn, trừu tượng nơi “phố cà phê” trên đường Wừu với những: Dáng Xưa, Đùng Đình, An An, Hình Như Là… đoạn Lê Quý Đôn có Đen, Hạ Vàng, hay ngược phía ngoại ô vào Biển Hồ Xanh cảm giác đều rất thú vị. Từ nơi sang trọng đến chỗ bình dân cách phục vụ cà phê của người dân Phố núi cũng mến thương lắm. Trong tiết trời se rét, mù mù sương sớm, cùng bạn bè co ro quây tròn bên bàn cà phê nghi ngút khói, giọt giọt đen sánh chầm chậm thả đáy ly trong veo như không còn biết thời gian hối hả ngoài kia. Ngắm giọt cà phê rơi cũng là cái thú, lẩn mẩn ngộ ra những triết lý nho nhỏ về cuộc đời như sư thầy Thích Giác Tâm từng nói: “…Khi vui ta uống cà phê và ta nhận diện ra rằng không có gì hạnh phúc bằng giây phút hiện tại, ta an lạc với giây phút này, bởi ta không biết trân quý giây phút này, thì biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”.


Mỗi người mỗi gu, riêng tôi thích ngồi cà phê hè phố, ngon- rẻ bàn sát bàn, đông đúc, thân thiện, từ xa lạ thành quen, thêm một người bạn ở huyện ra, từ nước ngoài về lại tha hồ ngắm đường phố đông dần sớm mai, thướt tha nữ sinh áo dài trắng tinh khôi đến trường, ríu rít cười đùa má căng hồng hồn nhiên, lật bật các bà mẹ đưa con đến lớp, vội vã những gùi rau tươi, xe hoa quả rong ngược xuôi… Phố bốn mùa một ngày, sáng giá rét, lơ phơ gió, bằng lăng tím treo từng nhánh hao gầy đung đưa, thong thả nhấp ngụm cà phê đủ đầy hương vị, lâng lâng cảm xúc, hào hứng đón nhận ngày mới, bắt đầu một ngày mới thêm yêu thành phố mình.

Thích cà phê Pleiku nguyên hãng thì vào Thu Hà để “Còn chút gì để nhớ”. Thu Hà là quán duy nhất ở vùng cao này vừa trồng vừa chế biến, bán cà phê, tạo thành một vòng khép kín. Một không gian êm đềm, thanh lịch cộng với sự nồng đượm, thơm ngát của cà phê. Dù đến để thư giãn, bàn công việc với đối tác hay vì bất cứ lý do gì khi ngồi ở đây bạn sẽ cảm giác sự ấm cúng và dễ chịu.

Sớm mai rét hay đêm sương giăng, một góc quán sofa êm ấm, một hông vườn lòa xòa cây bông, ghế mây tre, đèn nâu vàng ấm áp, một ven đường bạt dù xộc xệch, bụi đỏ lấm tấm mặt bàn ghế sờn cũ, khách uống cà phê ngồi mơ màng, rôm rả, trầm ngâm, cặm cụi… với ly cà phê đen sóng sánh. Có thể ai cũng từng đi nhiều nơi, thưởng thức cà phê của nhiều vùng miền khác nhau nhưng cái vị và hương đậm đà, ngầy ngậy và say của cà phê Phố núi cao nguyên, Phố núi sương giăng, Phố có em Pleiku “má đỏ môi hồng”, với thông, dốc cùng không gian bàn bạt gió, ngờm ngợp nắng mùa khô, lất phất, rả rích, xối xả mùa mưa… thì vẫn ghi dấu ấn trong lòng mỗi ai một lần tới nơi này.



Post a Comment

Previous Post Next Post