Du khách đến với khu du lịch suối khoáng
Mỹ Lâm (Yên Sơn) ai cũng muốn dừng chân thưởng thức hương vị cơm lam và
mua một ít để làm quà. Cơm lam khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đã trở
thành đặc sản hấp dẫn khách tham quan, du lịch. Ai đã từng thưởng thức
cơm lam nơi đây sẽ không bao giờ quên được hương vị dẻo thơm của nếp.
Bà Hà Thuỷ Tạ, một trong những người làm
cơm lam nổi tiếng khu vực suối khoáng Mỹ Lâm cho biết, nghề làm cơm lam
khó giàu nhưng người làm cơm lam xã Phú Lâm vẫn gắn bó với nghề. Bởi họ
chỉ muốn lưu giữ một nghề truyền thống với một sản phẩm mang đậm hương
vị quê hương. Hiện nay ở xóm suối khoáng Mỹ Lâm có 6 hộ chuyên làm cơm
lam, gia đình bà làm nghề này đã được gần 30 năm. Thời gian đầu trong xã
chỉ có một mình gia đình bà làm nghề này, đến nay bà Tạ đã truyền nghề
cho một số hộ trong xóm và các hộ vẫn duy trì và phát triển nghề này tại
xóm. Cách làm cơm lam không phức tạp nhưng cũng khá cầu kỳ. Cơm lam
được làm từ thân cây nứa, gạo nếp và nước suối. Muốn có ống cơm lam
ngon, phải chọn cây nứa non (lấy những cây lá bắt đầu ra lá cánh bướm là
ngon nhất), gạo nếp phải chọn loại nếp trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là
nếp nương, sau đó ngâm gạo, vo sạch, rắc ít muối, trộn đều rồi cho vào
ống lam. Khi cho gạo vào ống lam không được nén chặt quá mà nên để cách
miệng ống lam khoảng 4 - 6 cm, sau đó đổ nước cách miệng ống lam 2 - 4
cm, rồi lấy lá dong hay lá chuối đậy nắp thật chặt.
Tuy nhiên, việc nướng cơm lam thế nào
lại là một nghệ thuật. Khi nướng cần phải xoay đều tay để cơm chín đều.
Thông thường thì nướng khoảng 30-40 phút thì cơm chín. Với những người
có kinh nghiệm, chỉ cần ngửi hương vị thơm của cơm là đoán được cơm đã
chín đều. Vào những ngày thường gia đình bà sản xuất và bán từ 100 - 150
ống, còn vào những ngày nghỉ, những dịp lễ tết bà bán được từ 300 - 400
ống, vào những ngày cao điểm bà Tạ cũng bán được đến 600 ống, giá mỗi
ống cơm lam hiện nay từ 4.500 - 5.000 đồng. Đến nay món cơm lam của gia
đình bà Tạ không chỉ có mặt ở trong tỉnh mà còn có mặt ở các tỉnh bạn
như Yên Bái, Thái Nguyên... Ngoài ra, sản phẩm cơm lam của bà Tạ cũng
được bày bán trong các ngày lễ hội, trong các ngày hội chợ.
Đồng chí Hoàng Ngọc Phú, Chủ tịch UBND
xã Phú Lâm cho biết: Để duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống,
trong những năm qua xã đã tạo điều kiện cho các hộ phát triển và duy trì
ngành nghề của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo uy tín
cho khách hàng trong tỉnh cũng như các du khách thập phương đến đây.
Post a Comment