Với hơn 300 điểm di tích lịch sử văn
hóa, cách mạng, cùng bề dày văn hóa lâu đời, hàng năm Tuyên Quang thu
hút hàng vạn lượt khách du lịch tới tham quan. Tuyên Quang hiện có 22
dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên đời sống văn hóa đa sắc màu và
phong phú.
Mỗi dân tộc ở Tuyên Quang có một bản sắc
văn hóa riêng, phong tục tập quán riêng và cũng có một món ăn riêng đặc
trưng, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Nếu như, đến
với khu nghĩ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm (Yên Sơn), du khách được thưởng
thức món cơm lam với vị dẻo thơm của nếp; đến với thác Bản Ba, (Chiêm
Hóa), du khách được thưởng thức mòn bánh gai ngon nổi tiếng mang đậm
hương vị quê hương; thì đến với huyện vùng cao Na Hang, du khách không
chỉ được du thuyền tham quan lòng hồ thủy điện Tuyên Quang mà còn được
thưởng thức món bánh chuối, một món ăn nhẹ nhàng, dân giã nhưng ai đã ăn
một lần thì sẽ còn nhớ mãi, bởi nó mang một phần linh hồn và hương sắc
của mảnh đất và con người nơi đây.
Tới Na Hang du khách được thưởng ngoạn món bánh chuối, đặc sản của Tuyên Quang
Không ai biết được truyền thống làm bánh
chuối ở Na Hang có từ bao giờ, nhưng cứ đến rằm tháng 7 hằng năm, hoặc
các ngày lễ, ngày tết, hầu như nhà nào cũng phải làm được một mẻ bánh
chuối, dâng lên cúng ông bà tổ tiên, để thể hiện lòng biết ơn của con
cháu đối với những bậc sinh thành và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong
cuộc sống. Trước đây, chỉ những ngày trọng đại người ta mới làm bánh
chuối, nhưng dần dần bánh chuối trở thành món ăn nhẹ nhàng được nhiều
người ưa chuộng, người ta bắt đầu làm bánh để bán kiếm thêm thu nhập.
Dạo quanh một vòng thị trấn Na Hang, có
thể đếm được hơn chục hàng bán bánh chuối nằm rải rác ở trục đường chính
và các hẻm phố. Anh bạn đi cùng có nhã ý mời ăn bánh chuối tại một cửa
hàng nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ, cách vài trăm mét mới tới,
nhưng tôi đã cảm nhận được cái mùi ngầy ngậy, hấp dẫn của món bánh chuối
Na Hang.
Bà chủ cửa hàng với những động tác thuần
thục, nhanh nhẹn, đang vớt từng mẻ bánh nóng hổi trong nồi hấp đon đả
mời khách. Khách ăn hôm nay chủ yếu là người từ nơi khác đến du lịch
lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, trong cái lạnh tê người của mùa đông ở
vùng cao, ngồi bên bếp lửa ấm áp, cầm chiếc bánh nóng hổi trên tay, vừa
ăn vừa xuýt xoa vì nóng mới cảm nhận hết vị ngon của nó.
Hôm nay, sau khi khen tài làm bánh ngon
của bà chủ, du khách không quên mua thêm về làm quà cho mọi người. Anh
Nguyễn Doãn Long, khách tham quan đến từ Hà Nội cho biết: Dù đã đi du
lịch ở nhiều vùng miền khác nhau, ăn nhiều loại bánh như bánh gai, bánh
tẻ, bánh nếp, bánh ngô, bánh rậm và cả bánh chuối ở Hà Nội, nhưng bánh
chuối Na Hang có một hương vị rất lạ, rất đậm đà, ăn một lần có thể nhớ
mãi.
Để hiểu thêm về món bánh chuối, chúng
tôi tìm đến gia đình bà Hoàng Thị Nghiên, ở tổ 4 thị trấn Na Hang, một
cửa hàng làm bánh chuối ngon có tiếng ở thị trấn này, không ai biết gia
đình bà có truyền thống làm bánh chuối từ bao giờ, nhưng theo lời kể của
bà, ngay từ ngày bé bà đã được mẹ dạy cho cách làm bánh chuối ngon, dạy
tỷ mỉ, như người ta dạy con gái cách thêu thùa, may vá trước khi về nhà
chồng.
Trước đây gia đình bà chỉ làm bánh vào
những dịp lễ tết, nhưng thấy nhu cầu của thị trường có thể phát triển
nghề, bà đã làm thử mang ra chợ bán, được khách hàng ưa chuộng nên dần
dần làm bánh chuối trở thành một nghề kiếm sống của gia đình bà. Hiện
nay, gia đình bà làm bánh với số lượng lớn và chủ yếu nhập cho các cửa
hàng bán lẻ phục vụ khách du lịch.
Tâm sự với chúng tôi bà cho biết: Để có
được một mẻ bánh với hương vị thơm ngon, người làm bánh phải trải qua
một quá trình lao động tỷ mỷ, công phu, nhất là vệ sinh phải đảm bảo.
Nguyên liệu chính làm bánh là loại chuối tây của địa phương, có đặc điểm
quả ngắn, vừa chín tới có vị ngọt đậm và thơm. Chuối làm bánh phải là
loại chuối to, không bị dập, khi chuối chín, bóc vỏ dùng dao bản to ấn
nhẹ cho chuối dẹt lại, phơi khô dưới trời nắng to hoặc sấy khô, sau đó
giã nhỏ và trộn với bột gạo nếp để nặn thành bánh.
Gạo nếp làm bánh phải là loại gạo nếp
nương, trắng, dẻo, thơm. Nhân của bánh được làm bằng đỗ xanh, lạc rang
trộn với đường. Tất cả cho vào nồi, đun nhỏ lửa đến khi 5 loại quện sánh
vào nhau, dậy lên mùi thơm thì bắc ra chờ nguội để gói bánh. Lá gói
bánh cũng phải được lựa chọn kỹ lưỡng để không làm mất mùi vị đặc trưng
của bánh, giữ được mùi thơm lâu, để có được loại lá đó, người làm bánh
phải lên rừng tìm về loại lá chuối rừng bánh tẻ, không non quá, không
già quá, rửa sạch, lau khô, dọc ra từng miếng vuông vắn, sau đó hơ qua
lửa nóng để lá chuối được mềm, gói bánh được vuông vắn, bắt mắt.
Khi gói xong, bánh được xếp thành từng
lớp ngay ngắn vào nồi hấp, điều chính lượng lửa vừa phải để bánh chín
đều. Bánh phải ăn nóng mới cảm nhận được mùi vị ngầy ngậy, đậm đà của
chuối, gạo, đỗ, lạc hòa quện vào nhau, người ăn không có cảm giác ngán
của dầu mỡ như ăn các loại bánh chuối rán thông thường ở nhiều địa
phương khác.
Ông Phạm Ninh Thái, Chủ tịch huyện Na
Hang cho biết: "Thời gian tới, huyện sẽ có chiến lược phát triển du lịch
bền vững và lâu dài, cùng với các sản phẩm truyền thống của địa phương
như chè Shan Tuyết Sinh Long, mộc nhĩ, nấm hương, sẽ có thêm sản phẩm
mới là bánh chuối Na Hang được chọn đưa đi tham dự các Hội trợ thương
mại, các Triển lãm hàng nông sản để giới thiệu cho du khách thập phương.
Huyện cũng đã rà soát được hơn 20 hộ làm bánh chuối trên địa bàn thị
trấn, từ đó sẽ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đưa bánh chuối trở
thành một trong những món ăn ngon phục vụ khách du lịch khi đến với
huyện vùng cao Na Hang".
Post a Comment